Tin tức

Thủ tục thẩm duyệt thiết kế PCCC

18/09/24

168 Lượt xem

1. Thẩm duyệt thiết kế về PCCC là gì?

Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là việc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đối chiếu các giải pháp, nội dung thiết kế dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được phép áp dụng tại Việt Nam theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để xem xét, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.

(Khoản 2 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)

2. Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC

Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC, gồm:

– Đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch;

– Các dự án, công trình quy định tại Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

– Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục 21 Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

(Khoản 3 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)

3. Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế PCCC

Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, gồm:

– Đối với đồ án quy hoạch xây dựng:

(1) Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức lập quy hoạch (Mẫu số PC06);

(2) Các tài liệu và bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đối với khu công nghiệp quy mô trên 20 ha, tỷ lệ 1/500 đối với các trường hợp còn lại thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 10 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

– Đối với chấp thuận địa điểm xây dựng trước khi tiến hành thiết kế các công trình độc lập có nguy hiểm cháy, nổ quy định tại các mục 15 và 16 Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP (trừ trạm cấp xăng dầu nội bộ và cơ sở sử dụng khí đốt):

(1) Văn bản đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật;

(2) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình;

(3) Bản vẽ, tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy như bậc chịu lửa của công trình, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các công trình xung quanh, hướng gió, cao độ công trình;

– Đối với thiết kế cơ sở của dự án, công trình:

(1) Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật;

(2) Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công;

(3) Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác;

(4) Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

(5) Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

– Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình:

(1) Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật;

(2) Văn bản góp ý thiết kế cơ sở về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (nếu có);

(3) Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công;

(4) Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác;

(5) Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

(6) Dự toán xây dựng công trình;

(7) Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

(8) Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế, bản vẽ được đóng dấu thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy (đối với hồ sơ thiết kế cải tạo, điều chỉnh);

(9) Văn bản thẩm định thiết kế xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng (nếu có);

– Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy:

(1) Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư, chủ phương tiện ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật;

(2) Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

(3) Dự toán tổng mức đầu tư phương tiện; bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b và điểm c khoản 1, điểm b, c, d và điểm e khoản 3 Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

Lưu ý: Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu.

Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế phải có xác nhận của chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện. Hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt và chủ đầu tư, chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch đó.

(Khoản 4 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)

4. Thủ tục yêu cầu thẩm duyệt PCCC

Bước 1: Nộp hồ sơ

Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo Mục 3 cho cơ quan có thẩm quyền theo một trong các hình thức sau:

– Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;

– Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);

– Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:

– Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều này thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);

– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều này thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).

Bước 3: Thông báo kết quả xử lý hồ sơ

– Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;

– Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;

– Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản;

– Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện (dự án, công trình không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc không thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy) thì phải có văn bản trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thời hạn về việc từ chối giải quyết hồ sơ.

Cơ quan có thẩm quyền trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hình thức tương ứng với hình thức mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó.

Lưu ý: Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

(Khoản 6, 7, 8, 9 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)

5. Thời hạn thẩm duyệt thiết kế PCCC

Thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được tính kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể như sau:

– Đồ án quy hoạch xây dựng: Không quá 05 ngày làm việc;

– Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình: Không quá 05 ngày làm việc;

– Thiết kế cơ sở: Không quá 10 ngày làm việc đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A; không quá 05 ngày làm việc đối với các dự án còn lại;

– Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công: Không quá 15 ngày làm việc đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A; không quá 10 ngày làm việc đối với các dự án, công trình còn lại;

– Thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: Không quá 10 ngày làm việc.

(Khoản 10 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)

6. Thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế PCCC

Thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy quy định như sau:

– Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với:

+ Dự án, công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

(Trừ các dự án, công trình đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư)

+ Công trình có chiều cao trên 100 m;

+ Công trình xây dựng trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;

+ Phương tiện đường thủy có chiều dài từ 50 m trở lên vận chuyển hành khách, vận chuyển chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ;

+ Dự án đầu tư xây dựng công trình do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh đề nghị.

(Trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự)

– Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với:

+ Đồ án quy hoạch đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch trên địa bàn quản lý;

+ Dự án, công trình không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền;

+ Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền.

(Trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự)

(Khoản 12 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)

Nguồn : Thư viện pháp luật